Quyết định số: 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 Phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”

Đăng ngày 09/01/2019 Quyết định số: 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 Phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 498/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2015


QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2015 – 2025”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu cụ thể

– Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiếu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

– Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa – xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số vào năm 2025.

– Giảm bình quân 2% – 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% – 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

3. Phạm vi thực hiện Đề án

Vùng dân tộc thiểu số, chú trọng khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ – Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án

a) Biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng dân tộc thiểu số. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

b) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

c) Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

d) Nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện Đề án.

đ) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị – xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

e) Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn viện trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Đề án.

5. Kinh phí thực hiện Đề án

a) Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

b) Nguồn kinh phí viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành Trung ương

a) Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm

– Chủ trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”.

– Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

b) Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn kinh phí hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Đề án.

c) Bộ Y tế thực hiện lồng ghép các hoạt động tư vấn, can thiệp y tế trong các chương trình, đề án được phê duyệt nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để thực hiện các mục tiêu của Đề án.

d) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các thiết chế văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước, tiêu chuẩn bản làng văn hóa, gia đình văn hóa vùng dân tộc thiểu số để thực hiện các mục tiêu của Đề án.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, chuyển đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số để thực hiện các mục tiêu của Đề án.

e) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, lồng ghép các hoạt động liên quan góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án.

g) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị – xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lồng ghép các hoạt động trong các chương trình, kế hoạch của ngành để thực hiện Đề án.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch và kinh phí hằng năm, dài hạn triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương; định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KGVX(03b).PC

THƯ VIỆN ẢNH

CÔNG TY LUẬT DÂN VIỆT - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

TIỆN ÍCH

TIN MỚI CẬP NHẬT

0936 442 699