Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu TNHS đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

Đăng ngày 09/01/2019 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu TNHS đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – BỘ CÔNG AN – BỘ QUỐC PHÒNG – BỘ TƯ PHÁP
—————–——

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-

Số: 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ HÀNH VI MUA BÁN NGƯỜI; MUA BÁN, ĐÁNH TRÁO HOẶC CHIẾM ĐOẠT TRẺ EM

 

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự) trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em,

Chương 1.

TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ HÀNH VI MUA BÁN NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 119 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 1. Xác định hành vi mua bán người

Mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:

  1. Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
  2. Mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
  3. Dùng người như là tài sản để trao đổi, thanh toán;
  4. Mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích trái pháp luật khác;
  5. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán người được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người.

Điều 2. Về một số tình tiết định khung hình phạt

  1. “Vì mục đích mại dâm” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm (như: mua bán người rồi đưa họ đến các ổ mại dâm hoặc tổ chức cho họ bán dâm…).
  2. “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán người từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy các lần mua bán người làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán người làm nguồn sống chính.

Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”, “đối với nhiều người”, “tái phạm” (hoặc “táphạm nguy hiểm”)  “có tính chất chuyên nghiệp“.

  1. “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của người đó.
  2. “Để đưa ra nước ngoài” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người để đưa nạn nhân ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài.
  3. “Đối với nhiều người” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán từ 02 người trở lên trong cùng một lần phạm tội.
  4. “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người từ 02 lần trở lên, không phân biệt các hành vi mua bán đó được thực hiện đối với một người hay đối với nhiều người và trong các lần mua bán đó người phạm tội chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 3. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hp cụ thể

  1. Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép

Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Người môi giới dùng thủ đoạn cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
  2. b) Biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn chỉ là phương thức, thủ đoạn để người nước ngoài đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc bán cho người khác nhưng vẫn tiến hành môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài.
  3. Trường hợp sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài trái phép
  4. a) Trường hợp người môi giới, đưa người đi lao động nước ngoài biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị cưỡng bức lao động, bóc lột trái phép (như: người bị đưa ra nước ngoài bị buộc phải làm việc trong môi trường độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; phải làm việc mà không được trả lương; bị buộc phải hoạt động mại dâm) nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác thì người môi giới, đưa người đi lao động nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự.
  5. b) Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới đưa lao động ra nước ngoài để chuyển giao người lao động cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác thì người môi giới phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự.
  6. c) Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (sau khi nhận tiền của người lao động đã chiếm đoạt và bỏ trốn, không thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật hình sự hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật hình sự.

Chương 2.

TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ HÀNH VI MUA BÁN, ĐÁNH TRÁO HOẶC CHIẾM ĐOẠT TRẺ EM THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 120 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Điều 4. Xác định hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

  1. “Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
  2. a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
  3. b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
  4. c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán;
  5. d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác.
  6. “Đánh tráo trẻ em” là hành vi thay thế trẻ em này bằng trẻ em khác ngoài ý muốn của cha mẹ, người nuôi dưỡng hoặc người quản lý hợp pháp của một hoặc cả hai đứa trẻ.
  7. “Chiếm đoạt trẻ em” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.
  8. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Điều 5. Về một số tình tiết định khung hình phạt

  1. “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em từ 05 lần trở lên, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự (05 lần mua bán trẻ em trở lên, 05 lần đánh tráo trẻ em trở lên hoặc 05 lần chiếm đoạt trẻ em trở lên), nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích và người phạm tội lấy các lần mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em làm nguồn sống chính.

Đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “đối với nhiều trẻ em”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp”.

  1. “Vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát. Người phạm tội nhằm mục đích trả thù, hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình.
  2. “Đốvới nhiều trẻ em” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt từ 02 trẻ em trở lên (mua bán từ 2 trẻ em trở lên; đánh tráo từ 02 trẻ em trở lên; chiếm đoạt từ 02 trẻ em trở lên) trong cùng một lần phạm tội hoặc trong các lần phạm tội khác nhau.
  3. “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nhằm lấy một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của trẻ em đó.
  4. “Để đưa ra nước ngoài” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để đưa nạn nhân ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài.
  5. “Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em để sử dụng vào mục đích tàn ác, dã man như: để dùng vào việc làm thí nghiệm; buộc trẻ em phải lao động cực nhọc, đi ăn xin để lấy tiền; để quay phim, chụp ảnh, vẽ tranh ảnh khiêu dâm, đồi trụy hoặc các hành vi tương tự khác.
  6. “Để sử dụng vào mục đích mại dâm” quy định tại điểm h khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán dâm (như: mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em rồi buộc các em phải bán dâm hoặc đưa các em đến các ổ mại dâm…).
  7. “Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm k khoản 2 Điều 120 của Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
  8. a) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc nạn nhân bị chết (nạn nhân uất ức mà tự sát; nạn nhân bị ốm, bị bệnh tật hoặc không được chăm sóc chu đáo nên đã chết);
  9. b) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc nạn nhân bị mắc các bệnh truyền nhiễm, nan y như: AIDS, giang mai v.v…;
  10. c) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến hậu quả là không xác định được nạn nhân đang ở đâu tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm;
  11. d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dẫn đến việc thân nhân của nạn nhân tuyệt vọng, đau buồn mà chết hoặc tự sát hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đã được hướng dẫn trên đây, có thể còn có hậu quả phi vật chất, như gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong các trường hợp này, phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

Điều 6. Truy cu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể

  1. Trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật
  2. a) Trường hợp người môi giới biết việc nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động đối với trẻ em hoặc vì mục đích trái pháp luật khác nhưng đã sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi để chuyển giao trẻ em cho người đó nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  3. b) Trường hợp người môi giới nuôi con nuôi biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là sau khi nhận đứa trẻ sẽ bán đứa trẻ đó cho người khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  4. c) Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  5. d) Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc có mục đích trái pháp luật khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em. Tùy từng trường hợp cụ thể, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi (Điều 283) hoặc tội danh khác theo quy định của Bộ luật hình sự.

đ) Trường hợp một người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã giới thiệu người đó với người muốn cho con của chính họ đi làm con nuôi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ, mong muốn đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn và đã nhận một khoản tiền, đồng thời người môi giới cũng được nhận một khoản tiền cho việc môi giới, thì người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.

  1. Trường hợp người bắt cóc trẻ em làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi chiếm đoạt trẻ em quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự.

Điều 7. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hp có nhiều hành vi phạm tội

  1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo Điều 120 của Bộ luật hình sự và chỉ phải chịu một hình phạt.

Ví dụ: một người đánh tráo trẻ em rồi chiếm đoạt đứa trẻ bị đánh tráo đó và bán cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tên tội danh là mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 của Bộ luật hình sự và phải chịu một hình phạt.

  1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự mà các hành vi đó độc lập với nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập mà người đó đã thực hiện. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt chung.

Ví dụ: một người mua một đứa trẻ để bán lại cho người khác và bị bắt, sau đó phát hiện người đó còn thực hiện hành vi chiếm đoạt một đứa trẻ khác. Trong trường hợp này, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em và tội chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự. Đối với trường hợp này, Tòa án quyết định mức hình phạt tương ứng đối với từng tội và sau đó quyết định hình phạt chung cho cả hai tội theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật hình sự.

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2013.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp để có hướng dẫn kịp thời.

 

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG

Trần Công Phàn

 

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Đặng Quang Phương

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG

Trung tướng Lê Quý Vương

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG

Hoàng Thế Liên

Nơi nhận: 

– Ủy ban tư pháp của Quốc hội;
– Ủy ban pháp luật của Quốc hội;
– Văn phòng Chính phủ (02 bản để đăng Công báo);
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Bộ Công an;
– Bộ Quốc phòng;
– Bộ Tư pháp;
– Lưu: VT (TANDTC, VKSNDTC, BCA, BQP, BTP).

THƯ VIỆN ẢNH

CÔNG TY LUẬT DÂN VIỆT - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

TIỆN ÍCH

TIN MỚI CẬP NHẬT

0936 442 699